Thí nghiệm được thực hiện nhằm đánh giáảnh hưởng của nhiệt độ và độ mặn đến sự phát triển phôi của cá song hổ(Epinephelus fuscoguttatus) vàxác định nhiệt độ và độ mặn tối ưu để ấp nở trứng cá song hổ. Trứng cá song hổ thí nghiệm được bố trí ấp trong bình thủy tinh có thể tích 1 lít với mật độ ấp trứng là 100 trứng thụ tinh/lít và được chia làm 2 thí nghiệm riêng biệt. Thí nghiệm 1, đánh giá ảnh hưởng của nhiệt độ được tiến hành ở các mức: 23ºC, 26ºC, 29ºC, 32ºC, 35ºC, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần trong điều kiện độ mặn 30‰ và thí nghiệm 2, đánh giá ảnh hưởng của độ mặn được tiến hành ở các mức: 23‰, 26‰, 29‰, 32‰, 35‰, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần trong điều kiện nhiệt độ 29ºC. Kết quả thí nghiệm ở các mức nhiệt độ cho thấy, điều kiện ấp nở của trứng cá song hổ tốt nhất ở 29ºC có tỷ lệ nở 89,6 ± 3,2% cao hơn đáng kể so với các nghiệm thức còn lại (P<0,05) và tỷ lệ ấu trùng dị hình thấp nhất 6,3 ± 0,4% (P<0,05). Ở thí nghiệm về độ mặn chỉ ra khoảng độ mặn thích hợp cho ấp nở từ 32 -35‰ đạt các tỷ lệ nở từ 83,4 -85,6% với tỷ lệ dị hình thấp 1,79 -1,85% cao hơn đáng kể so với các nghiệm thức còn lại (P<0,05). Như vậy, trong các thí nghiệm trên, nhiệt độ 29ºC và độ mặn 32 -35‰ cho kết quả ấp nở đạt hiệu quả cao nhất.