Ngày nhận bài: 18-04-2017 / Ngày duyệt đăng: 26-07-2017
Mục đích của nghiên cứu này là đánh giá hiện trạng chăn nuôi bò sinh sản và đánh giá ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh trước và sau khi sinh đến năng suất sinh sản của bò. Tổng cộng 66 hộ (xã Tây Giang, Tây Sơn, Bình Định) có chăn nuôi bò cái được tiến hành khảo sát, 255 bò cái lai Brahman sinh sản được thu thập thông tin về năng suất sinh sản, 163 bê lai từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi được cân xác định khối lượng; 20 con bò lai Brahman được thử nghiệm về ảnh hưởng của bổ sung thức ăn cho bò mẹ trước và sau khi sinh; 15 mô hình trình diễn về ảnh hưởng của bổ sung thức ăn tinh sau khi sinh đã được thực hiện trong nôngtrại. Kết quả cho thấy, trung bình mỗi hộ nuôi 4,53 con bò, trong đó tỷ lệ bò mẹ đã đẻ, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn lần lượt là 49,8 và 90%. Tuổi bán bê ở các nông hộ chủ yếu dưới 12 tháng tuổi (80%). Phương thức chăn nuôi bò sinh sản là chăn thả có bổ sung tại chuồng và nuôi nhốt hoàn toàn (97%). Khoảng cách lứa đẻ của đàn bò cái còn khá dài (15,9 tháng). Nguyên nhân được xác định là thiếu hụt dinh dưỡng trong giai đoạn trước và sau khi đẻ, dẫn đến thời gian từ khi đẻ đến phối giống thành công dài (6,2 tháng). Thí nghiệm trong nông hộ về ảnh hưởng của tăng lượng thức ăn tinh từ 0,25%LW lên 0,35%LW giai đoạn trước khi đẻ 2 tháng và tăng từ 0,35%LW lên 0,5%LW ở giai đoạn sau khi đẻ đã cải thiện thể trạng bò mẹ; tăng lượng thức ăn tinh giai đoạn sau khi đẻ đã làm rút ngắn thời gian từ sau khi đẻ đến phối giống thành công, giảm từ 212 ngày xuống còn 176 ngày (P < 0,05). Kết quả theo dõi trên 15 hộ (15 bò - bê) mô hình trình diễn về bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ sau khi đẻ đến 3 tháng đã làm rút ngắn khoảng cách lứa đẻ từ 465 ngày xuống 395 ngày.