Nghiên cứu đánh giá khả năng xử lý nước thải ao nuôi ếch Thái Lan của bèo tai tượng được bố trí hoàn toàn ngẫu nhiên với 4 nghiệm thức 0% (đối chứng), 50%, 75%, 100% bèo tai tượng, mỗi nghiệm thức lặp lại 3 lần, trong 8 tuần. Mẫu nước được thu ở thời điểm 24, 48, 72 giờ lưu nước để xác định thời gian lưu nước, và ở thời điểm 2, 4, 6, 8 tuần để đánh giá khả năng xử lý nước thải của bèo theo giai đoạn sinh trưởng. Kết quả cho thấy, chất lượng nước thải nuôi ếch ở các nghiệm thức có bèo đạt QCVN 40/2011/BTNMT sau 72 giờ lưu nước. Nồng độ N-NH4+, P-PO43- và COD sau xử lý đạt cột A của QCVN 40/2011/BTNMT và nồng độ N-NH4+, N-NO2-và N-NO3-đạt cột A1, P-PO43-, COD đạt cột B2 của QCVN 08/2015/BTNMT sau 4 tuần. Hiệusuất xử lýN-NH4+, N-NO2-, N-NO3-,TN, P-PO43-, TP, COD của các nghiệm thức có bèo lần lượt là 28,5-58,6; 39,4-59,8; 56,9-71,6; 32,1-58,7; 64,9-80,1; 43,7-71,8 và 57,4-79,8%, tương quan thuận với độ che phủ của bèo. Bèo tai tượng giúp tăng hiệu quả xử lý nước thải nuôi ếch và tăng trưởng chồi và sinh khối tốt, tuy nhiên xuất hiện bèo chết ở nghiệm thức 75 và 100% bắt đầu từ tuần 6 do mật độ cao, vì vậy nên thu hoạch tuyển bèo để tránh tình trạng tái ô nhiễm.