Nghiên cứu được thực hiện trên vịt Cổ Lũng từ 1 ngày tuổi đến 11 tuần tuổi nuôi theo phương thức nuôi nhốt có ao tắm tại Thanh Hóa để đánh giá khả năng cho thịt và chất lượng thịt. Kết quả nghiên cứu cho thấy tại thời điểm giết thịt ở 9, 10 và 11 tuần tuổi tỷ lệ thân thịt lần lượt là 67,97; 68,31 và 69,73%, tỷ lệ thịt đùi lần lượt là 12,24; 12,98 và 12,95%, tỷ lệ thịt lườn lần lượt là 12,06; 12, 94 và 12,96%. Tỷ lệ mất nước bảo quản, mất nước sau chế biến của thịt đùi và thịt lườn giảm dần trong khi độ dai của thịt lại tăng dần theo độ tuổi giết thịt. Độ pH15 của thịt từ 5,82-6,35; pH24 từ 5,60-6,10. Độ sáng (L*) dao động trong khoảng 42,80-46,74 trong đó thịt đùi của vịt sẫm màu hơn so với thịt lườn. Hàm lượng vật chất khô đạt từ 23,01-24,46%, hàm lượng khoáng tổng số đạt từ 1,23-1,32%, hàm lượng lipit thô đạt từ 1,86-2,18%, hàm lượng protein thô đạt từ 18,61-20,41%. Thịt vịt Cổ Lũng có đầy đủ các loại axit amin và đặc biệt là các axit amin thiết yếu. Hầu hết các thành phần axit amin tại thời điểm 10 tuần tuổi cao hơn so với 11 tuần tuổi.