Thí nghiệm nghiên cứu ảnh hưởng của độ ẩm đất đến các đặc điểm sinh trưởng và hiệu quả sử dụng nước ở giai đoạn cây con của 6 giống lúa (Oryza sativar L.) (Beodien, KD18, Koshihikari, Sensho, Rayada). 5 ngày sau gieo hạt, tỉa để lại 1 cây ở mỗi chậu và bắt đầu xử lý độ ẩm đất với 3 mức: đối chứng là cho ngập nước; duy trì độ ẩm đất 24% (24%SMC)-độ ẩm tối ưu; độ ẩm đất 12% (12% SMC)-hạn. Kết quả của thí nghiệm chỉ ra rằng, khối lượng chất khô của thân lá (SDW), khối lượng chất khô của rễ (RDW), tổng khối lượng chất khô của toàn cây (TDW), diện tích lá (LA), lượng nước sử dụng (WU) và hiệu quả sử dụng nước (WUE) của 4 giống Rayada, Sensho, KD18, IR24 không có sự sai khác có ý nghĩa 95% giữa công thức đối chứng và công thức độ ẩm đất 24%. Hai giống Koshihikari và Beodien ở công thức độ ẩm đất 24% cho giá trị thấp hơn so với công thức đối chứng đối với các chỉ tiêu trên. Ở công thức độ ẩm đất 24% và 12%, tổng chiều dài rễ (RL), diện tích bề mặt rễ (RSA) có khuynh hướng tăng ở hầu hết các giống trừ giống Koshihikari. RL, RSA, thể tích rễ (RV) của giống Koshihikari trong điều kiện hảo khí thấp hơn công thức đối chứng. Giống Rayada đạt giá trị về RL, RSA, RV, SDW, TDW, LA và WU cao nhất so với các giống còn lại, kế đến là giống Sensho. Ngoài ra, giống Rayada còn đạt giá trị cao nhất về hiệu quả sử dụng nước (WUE) trong điều kiện hạn, kế đến là giống Sensho. Hai giống KD18, IR24 có giá trị về LA, SDW, RDW, TDW và WU thấp hơn so với các giống còn lại ở tất cả các công thức. Tuy nhiên, trong điều kiện hạn thì hai giống này không bị ảnh hưởng nhiều như các giống còn lại. Từ kết quả thí nghiệm cho thấy rằng hai giống Rayada, Sensho phù hợp với hệ thống canh tác hảo khí, giống Koshihikari không phù hợp. Giống lúa nước indica KD18 và IR24 thích hợp với điều kiện hạn hơn giống lúa nước japonica Koshihikari.