Nghiên cứu này nhằm đánh giá ảnh hưởng của các dạng hữu cơ khác nhau từ rơm bón tới phát thải CH4 từ đất trồng lúa nước trong 2 năm 2015-2016 trên đất phù sa sông Hồng trung tính ít chua. Thí nghiệm gồm 4 công thức với tổng dinh dưỡng NPK ở các công thức như nhau, tương đương 100 kg N + 80 kg P2O5 + 80 kg K2O. CT1 (nền) chỉ bón phân khoáng, CT2 bón 4,5 tấn rơm/ha, CT3 bón than sinh học (TSH), CT4 bón phân compost. Lượng TSH, compost sản xuất từ 4,5 tấn rơm. Kết quả nghiên cứu vụ Xuân và Mùa cho thấy nếu chỉ bón phân khoáng thì phát thải CH4 thấp nhất (126,4-152,8 kg CH4-C/ha và 234,2-237,2 kg CH4-C/ha) và năng suất lúa cao nhất (63,6-64,2 tạ/ha và 54,6-58,3 tạ/ha). Bón rơm phát thải CH4 cao nhất, năng suất thấp nhất. So với chỉ bón phân khoáng, bón rơm làm tăng CH4 phát thải khoảng 23,6-24,4% và 27,4-32,1%, năng suất lúa giảm khoảng 23,4-28,9% và 11,2-17,0%. Bón compost không giảm năng suất lúa so với bón phân khoáng và còn tăng so với bón rơm khoảng 19,8-26,3% và 3,8-15,8% tương ứng trong hai vụ Xuân và Mùa.