Ngày nhận bài: 29-11-2021 / Ngày duyệt đăng: 05-04-2022
Vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv.oryzae(Xoo) gây nên bệnh bạc lá lúa thông qua cơ chế chính là tiết ra các protein TALE (Transcription activator-like effector) có khả năng kiểm soát hoạt động một số gen của tế bào chủ bằng cách liên kết với các trình tự EBE (Effector-binding elements) trên vùng promoter và hoạt hóa biểu hiện gen. Gây đột biến chính xác tại các vị trí tương tác của protein TALE trên vùng promoter của gen đích bằng các công cụ chỉnh sửa gen như CRSIPR/Cas9 (clustered regularly interspaced short palindromic repeats/CRISPR-associated protein-9 nuclease) là một hướng nghiên cứu tiềm năng để cải tiến tính kháng bạc lá của các giống lúa trong sản xuất. Trong nghiên cứu trước đây, chúng tôi đã tạo được một số dòng lúa TBR225 chuyển gen mang cấu trúc biểu hiện phức hệ CRSIPR/Cas9 chỉnh sửa vị trí EBE AvrXa7/Tal5trên promoter OsSWEET14.Để xác định tính ổn định di truyền và hiệu quả của các đột biến OsSWEET14tạo ra bởi hệ thống CRISPR/Cas9trong nghiên cứu này, các dòng lúa TBR225 chỉnh sửa gen T1tiếp tục được đánh giá kiểu gen và kiểu hình. Phân tích trình tự gen của các dòng lúa TBR225 chuyển gen đã xác định được hiệu quả gây đột biến OsSWEET14 của cấu trúc CRISPR/Cas9 đạt 65%, bao gồm hai loại đột biến thêm và mất nucleotide (Nu). Các đột biến này đã được di truyền chính xác sang thế hệ sau (tỉ lệ phân ly 1:2:1) và không xuất hiện thêm đột biến mới. Các phân tích kiểu hình bước đầu cho thấy đột biến trên promoter OsSWEET14không gây ảnh hưởng tới sinh trưởng và năng suất của cây lúa. Một số dòng lúa chỉnh sửa gen TBR225 thế hệ T1 có biểu hiện tính kháng đối với chủng vi khuẩn VXO_11 trong điều kiện nhà lưới. Kết quả thu được là tiền đề cho nghiên cứu phát triển giống lúa TBR225 kháng bạc lá trong tương lai.