Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về sản xuất lương thực, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu nông sản. Trên cơ sở quỹ đất lúa hiện có, nhờ tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế của vùng, sản xuất lúa đã đạt được mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc sử dụng đất lúa của vùng còn những tồn tại, hạn chế và có những mặt còn thiếu bền vững. Hơn nữa, sản xuất lúa của vùng đã, đang và sẽ phải chịu các tác động bất lợi của Biến đổi khí hậu - Nước biển dâng. Nghiên cứu này tập trung đánh giá hiện trạng và biến động sử dụng đất lúa và hiệu quả kinh tế của các loại hình sử dụng đất lúa để làm rõ hơn thực trạng sử dụng đất lúa, thấy được những thuận lợi, khó khăn trong sản xuất lúa của vùng, từ đó lấy cơ sở đề xuất những cơ cấu sử dụng đất lúa hợp lý. Kết quả nghiên cứu cho thấy giai đoạn 2005 - 2014, diện tích đất lúa của vùng có sự biến động, tăng 4,4 nghìn ha; trong đó giai đoạn 2005 - 2010, tăng 18,4 nghìn ha, giai đoạn 2010 - 2014 giảm 14 nghìn ha. Năm 2014, diện tích gieo trồng lúa của vùng chiếm 53,93% diện tích gieo trồng lúa cả nước, sản lượng lúa chiếm 56,13% sản lượng lúa cả nước. Vụ Hè Thu có diện tích gieo trồng lúa lớn nhất, chiếm 54% tổng diện tích gieo trồng lúa của vùng; vụ Đông Xuân có năng suất lúa cao nhất (cao hơn 20,5% so với năng suất bình quân của vùng); vụ Mùa có diện tích gieo trồng lúa và năng suất đạt thấp nhất vùng. Sản xuất lúa đem lại hiệu quả từ trung bình đến khá cho người trồng lúa tùy thuộc loại đất.