Nghiên cứu được thực hiện tại trại chăn nuôi thuộc huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên từ tháng 8/2021 đến tháng 11/2022 nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng và năng suất thịt của con lai sinh ra từ nái mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) sống sót. Tổng số 110 lợn D×(DLY), gồm 61 cái và 49 đực thiến được sinh ra từ nái Duroc×(Landrace×Yorkshire) mắc bệnh DTLCP sống sót phối với đực Duroc. Lợn được theo dõi từ sơ sinh đến khi kết thúc thí nghiệm ở 223,36± 14,78 (± SD) ngày tuổi. Lợn được xăm số taitại thời điểm sơ sinh và đeo số nhựa vào thời điểm cai sữa. Khối lượng của từng cá thể được cân ở các thời điểm sơ sinh, caisữa và kết thúc thí nghiệm. Dày mỡ lưng, dày cơ thăn, diện tích cơ thăn, tỷ lệ mỡ giắt và tỷ lệ nạc được xác định bằng máy siêu âm trên lợn sống tại thời điểm cân kết thúc thí nghiệm. Kết quả cho thấy, khối lượng kết thúc (132,40kg), tăng khối lượng/ngày (640,55g) ở đực thiến có xu hướng cao hơn (P = 0,074 và P = 0,057) so với lợn cái (126,60kg và 608,75g). Dày mỡ lưng, tỷ lệ mỡ giắt ở lợn đực thiến cao hơn so với lợn cái (P <0,01) nhưng tỷ lệ nạc thấp hơn (P <0,001) và đạt các giá trị lần lượt 16,49 và 13,41mm; 2,54 và 2,19%; 57,63 và 61,03%. Có thể sử dụng lợn D×(DLY) nuôi thương phẩm trong trường hợp thiếu nguồn giống.