Ngày nhận bài: 28-07-2023 / Ngày duyệt đăng: 26-01-2024
Nghiên cứu được thực hiện để thiết lập, tối ưu hoá quy trình realtime PCR phục vụ chẩn đoán và kiểm soát bệnh DIV1 trên tôm. Mẫu plasmid chứa hai đoạn gen đích của DIV1 là MCP và ATPase được sử dụng để thiết lập và tối ưu hoá quy trình với lượng mồi dò probe ở các nồng độ 0,1; 0,15 và 0,2µM. Độ nhạy, hiệu suất, mức độ đặc hiệu, mức độ ổn định giữa các lần xét nghiệm và kết quả đối sánh liên phòng thí nghiệm được chuẩn hoá trong và ngoài nước được sử dụng để đánh giá hiệu quả và giá trị sử dụng của quy trình. Kết quả nghiên cứu cho thấy quy trình realtime PCR ở nồng độ mồi dò 0,2µM cho thấy khả năng phát hiện tối ưu nhất. Giới hạn phát hiện của phản ứng lần lượt là 13,6 và 14,3 bản sao plasmid/phản ứng, hiệu suất lần lượt là 98,9% và 92,6%. Phản ứng có độ đặc hiệu cao (không có phản ứng với các mẫu tôm dương tính với WSSV, IHHNV, AHPND, EHP)và ổn định (CV < 15%). Kết quả nghiên cứu cho thấy hai quy trình realtime PCR sử dụng plasmid chứa gen MCP và ATPase đã được thiết lập và tối ưu hoá trong nghiên cứu này đảm bảo độ tin cậy và có thể ứng dụng để tầm soát và kiểm soát bệnh DIV1 cho các phòng thí nghiệm tại Việt Nam.