Ngày nhận bài: 01-05-2017 / Ngày duyệt đăng: 09-06-2017
Để có cơ sở xây dựng văn bản tăng cường quản lý chất cấm Ractopamine (Ract) và Salbutamol (Salb) trong thức ăn chăn nuôi lợn, thí nghiệm đã được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của việc bổ sung hai chất này đến khả năng sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và dư lượng của chúng trong một số mô của lợn giai đoạn vỗ béo. Ba khẩu phần ăn đã được sử dụng trong nghiên cứu này gồm: (i) khẩu phần cơ sở không bổ sung Ract và Salb (khẩu phẩn đối chứng), (ii) khẩu phần cơ sở có bổ sung 10 ppm Ract (khẩu phần Ract), (iii) khẩu phần cơ sở có bổ sung 8 ppm Salb (khẩu phần Salb). 45 con lợn có khối lượng bình quân 60 ± 3,0 kg/con được phân một cách ngẫu nhiên thành ba lô đồng đều về khối lượng và giới tính (15 con/lô, 5 con/ô). Thí nghiệm được thực hiện trong thời gian 60 ngày, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (30 ngày đầu), lợn ở các lô được ăn thức ăn thí nghiệm như trình bày ở trên. Giai đoạn 2 (30 ngày cuối), toàn bộ đàn lợn thí nghiệm (3 lô) được ăn thức ăn không bổ sung chất Beta-agonist để theo dõi động thái đào thải và mức tồn dư của Ract và Salb. Khẩu phần cơ sở được xây dựng trên cơ sở nhu cầu của lợn vỗ béo trong điều kiện của Việt Nam. Khả năng sinh trưởng, chất lượng thân thịt, tồn dư Ract và Salb trong nước tiểu và một số mô đã được đánh giá theo thời gian ngừng sử dụng Ract và Salb (giai đoạn 2). Kết quả cho thấy, việc bổ sung Ract hoặc Sabl đã có tác dụng kích thích sinh trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng cảm quan thịt. Cụ thể so với lô đối chứng, tăng khối lượng bình quân của lợn sử dụng thức ăn có chứa Ract hoặc Salb cao hơn lần lượt là 13,2% và 16,0% trong khi hiệu quả sử dụng thức ăn giảm 15,8% và 20,6%, đồng thời cải thiện chất lượng thân thịt cũng như màu sắc thịt. Tốc độ đào thải Salbutamol qua nước tiểu chậm hơn so với Ractopamine (7 ngày so với 5 ngày). Tốc độ đào thải Sabl chậm hơn so với Ract. Sau 5 ngày (đối với lô bổ sung Ract) và 7 ngày (đối với lô bổ sung Salb) mới hết tồn dư trong nước tiểu, cơ và mô mỡ. Vẫn phát hiện tồn dư trong gan và thận nhưng thấp hơn so với mức tồn dư được phép. Kết quả có thể sử dụng làm căn cứ để xây dựng chiến lược kiểm soát chất cấm trong thức ăn chăn nuôi lợn.