Ba mươi lăm con lợn rừng từ 1 - 4 tuần tuổi nghi mắc dịch tiêu chảy cấp (PED) thu nhận từ các trang trại nuôi lợn rừng thuộc tỉnh Hà Giang được sử dụng trong nghiên cứu. Kết quả chẩn đoán bằng phương pháp RT-PCR cho thấy tỷ lệ dương tính với virus PED rất cao: 74,3% mẫu ruột, hạch màng treo ruột và 54,3% mẫu phân. Triệu chứng lâm sàng chủ yếu của lợn rừng mắc PED: ủ rũ mệt mỏi, phân lỏng, tanh, màu vàng; gầy gò; nằm chồng đống, nằm trên bụng mẹ; bỏ ăn, mắt trũng sâu; uống nước nhiều; lười bú; thân nhiệt giảm và thở nhanh… với tỷ lệ tương ứng là: 100; 100; 80,8; 76,9; 69,2; 57,7 và 53,8%. Bệnh tích đại thể chủ yếu là: dạ dày; ruột non căng phồng, thành mỏng, chất chứa màu vàng, lợn cợn; hạch màng treo ruột sung huyết, xuất huyết; gan sưng, tụ máu đỏ sẫm, hạch bẹn nông sưng to; hậu môn dính bết phân màu vàng, phổi viêm, tụ huyết; lách sung huyết và túi mật căng to với tỷ lệ lần lượt là: 100; 100; 80,8; 69,2; 69,2; 69,2; 61,5 và 57,7%. Bệnh tích vi thể chủ yếu là: tế bào biểu mô ruột non thoái hóa, hoại tử, lông nhung tù đầu, ngắn lại, tăng sinh nang lypho thành ruột, thâm nhiễm tế bào viêm ở hạ niêm mạc ruột. Tế bào gan bị thoái hóa mỡ, xuất huyết kẽ thận, phổi viêm, sung huyết.