Nghiên cứu được tiến hành để đánh giá ảnh hưởng của hai kiểu chuồng nuôi nhóm đến nồng độ cortisol của 20 lợn cái hậu bị. Hai mươi lợn cái hậu bị F1(Landrace xYorkshire) đồng đều về tuổi, khối lượng được phân bố ngẫu nhiên trong 4 ô chuồng thuộc 2 kiểu chuồng nuôi (2 ô chuồng có sân và 2 ô chuồng không có sân, 5 con/ô). Nồng độ cortisol trong nước bọt được đo vàocác ngày thứ 1, 3, 7, 15, 30, 50, 80 và trong huyết tương vàocác ngày thứ 1, 3, 15, 30, 50 tính từ khighép nhóm lần lượt được xác định bằng phương pháp ELISA và ECLIA có sử dụng COBAS. Kết quả phân tích cho thấy, không có sự khác nhau về nồng độ cortisol trong nước bọt và trong huyết tương ở lợn cái hậu bị được nuôi theo nhóm ở cả 2 kiểu chuồng (P > 0,05). Tuy nhiên, trong cùng một kiểu chuồng, nồng độ cortisol nước bọt có sự sai khác có ý nghĩa thống kê giữa các ngày lấy mẫu (P > 0,05). Lợn nuôi trong chuồng có sân và kiểu chuồng không có sân, nồng độ cortisol đạt cao nhất ở ngày ghép nhóm thứ 1 lần lượt là 0,58 µg/dL và 0,59 µg/dL; giảm vào ngày thứ 3 (0,48 µg/dL và 0,46 µg/dL); thấp nhất và ổn định vào các ngày lấy mẫu tiếp theo. Tương tự, trong cùng một kiểu chuồng cũng có sự khác nhau về nồng độ cortisol huyết tương ở ngày thứ nhất so với các ngày lấy mẫu tiếp theo (P > 0,05). Hàm lượng cortisol huyết tương của lợn nuôi ở kiểu chuồng có sân và kiểu chuồng không có sân đều cao nhất ở ngày đầu tiên sau khi nhập đàn (7,38 µg/dLvà 7,17 µg/dL), thấp hơn ở ngày thứ 3 (5,35 µg/dL và 5,19 µg/dL), sau đó giảm dần và ổn định ở các ngày tiếp theo. Có sự tương quan thuận giữa nồng độ cortisol huyết tương và nước bọt với với hệ số tương quan r = 0,73.