Đề tài được thực hiện nhằm xác định giá trị dinh dưỡng của rơm lúa sau khi ủ với nấm Pleurotus eryngii. Thí nghiệm (TN) 1 dùng nấm P. eryngii cấy vào rơm với tỷ lệ cấy là 0,5; 1,0; 1,5; 2,0; và 2,5% khối lượng của rơm ở dạng sử dụng (DSD) và ủ trong thời 2, 4, 6, và 8 tuần. Mỗi công thức TN được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy tăng tỷ lệ cấy nấm với rơm và thời gian ủ đã làm giảm hàm lượng xơ NDF, ADL và tăng hàm lượng CP. Hàm lượng xơ NDF, ADL đạt thấp nhất, trong khi hàm lượng CP đạt cao nhất khi ủ rơm với nấm ở tỷ lệ 2,5% sau 8 tuần ủ (P <0,001). Thí nghiệm 2 dùng nấm P. eryngii cấy vào rơm với tỷ lệ 2,5% có bổ sung mangan với mức là 100, 150, 200, 300 µg Mn/g rơm ở DSD và ủ trong thời gian 2, 4, 6, và 8 tuần. Mỗi công thức TN được lặp lại 3 lần. Kết quả cho thấy bổ sung mangan với mức khác nhau khi ủ 2,5% nấm với rơm đã không ảnh hưởng đến hàm lượng xơ NDF, ADL và CP. Từ kết quả của hai thí nghiệm có thể thấy sử dụng 2,5% nấm ủ với rơm trong thời gian 4 tuần sẽ cho hiệu quả nhất trong việc giảm hàm lượng lignin và nâng cao hàm lượng protein thô trong rơm mà không cần bổ sung thêm mangan.