Ngày nhận bài: 25-04-2014 / Ngày duyệt đăng: 15-07-2014
Nghiên cứu được thực hiện nhằm mục tiêu lai tạo ra được các tổ hợp lai (THL) hoa lan huệ mới có màu sắc/hình dạng khác biệt để có thể phát triển cho sản xuất trong nước. Phương pháp lai hữu tính được sử dụng để lai 3 mẫu giống thu thập trong nước là H109, H112 và H126 (làm mẹ) với ba giống nhập nội từ Nhật Bản là H. elvas, H. suzana và H. splash. Kết quả nghiên cứu đã cho thấy khả năng lai hữu tính tạo giống hoa lan huệ từ vật liệu di truyền trong nước với nguồn nhập nội từ Nhật Bản. Tỷ lệ hạt chắc ở mức thấp đến trung bình (26,9 - 55,9%) và tỷ lệ nảy mầm của hạt lai từ trung bình đến cao (52 - 85,75%). Tuy nhiên do lan huệ là cây sinh sản hữu tính và có khả năng nhân giống vô tính nên các kết quả trên hoàn toàn đảm bảo cho sự thành công của các phép lai. Các THL tạo ra đều có khả năng sinh trưởng tốt trong điều kiện Gia Lâm, Hà Nội và 3 THL đã ra hoa sau 20 - 21 tháng gieo hạt. Những THL cho hoa đẹp, hình dạng hoa mới lạ gồm THL9-5 hoa dạng hình tam giác, cánh bán kép (8-9 cánh/bông), đường kính hoa trung bình 17,2cm, màu cánh đỏ đậm (45B) và THL4-7 hoa dạng hình tròn, cánh đơn, đường kính hoa trung bình 19,5cm, màu cánh hồng sen (53D), cánh hoa xếp cân đối. Hai THL có chiều cao ngồng ở mức trung bình nên có tiềm năng sử dụng sản xuất hoa trồng chậu ở nước ta. Đây là các kết quả nghiên cứu đầu tiên được công bố về kết quả lai tạo hoa lan huệ, đặc biệt tạo dạng hình cánh bán kép ở Việt Nam.