Vai trò của E.coli và Salmonella spp. trong hội chứng tiêu chảy (HCTC) của lợn con nuôi công nghiệp được xác định trên đàn lợn tại công ty Sơn Trà tỉnh Bắc Ninh. Tỷ lệ phân lập E.coli từ mẫu phân của lợn con theo mẹ là 86,2%; từ mẫu phân lợn sau cai sữa là 78,0%. Trong các chủng phân lập từ lợn con theo mẹ, tỷ lệ các serotyp O149, O101, O64 và O8 lần lượt là 48; 20; 12 và 8%. Tỷ lệ các serotyp thuộc các chủng phân lập từ lợn con sau cai sữa là O141 (43,7%), O139 (28,1%), O149 và O138 cùng chiếm 9,3%. Tỷ lệ các chủng E.coli phân lập từ lợn con theo mẹ mang gen mã hóa độc tố STa, STb, LT và các yếu tố bám dính F4, F18 là 32; 44; 24; 44 và 32%. Ở nhóm chủng từ lợn con sau cai sữa, tỷ lệ tương ứng là 65,5; 21,8; 59,4; 0 và 34,3%. Chỉ phân lập được Salmonella từ phân của lợn con sau cai sữa mắc HCTC với tỷ lệ thấp so với các nghiên cứu đã được công bố; tất cả các chủng phân lập đều được xác định là S. typhimurium và có độc lực cao trên chuột thí nghiệm. Các chủng E.coli, Salmonella phân lập được mẫn cảm cao với Apramycin, Cephalothin, Amikacin, Certiofur và kháng Tetramycin. Có thể bước đầu nhận xét rằng trong điều kiện nuôi công nghiệp, vi khuẩn E. Coli đóng vai trò trộitrong HCTC ở lợn con, đặc biệt là lợn con theo mẹ trong khi đó ở lợn con sau cai sữa cần phải chú ý đến vai trò của Salmonella spp.