Ngày nhận bài: 03-01-2018 / Ngày duyệt đăng: 18-04-2018
Bảy dòng/giống lạc (DM1, DM2, DM3, DM4, HL11, HL22 và LDDL) do Viện Di truyền Nông nghiệp lai tạo và nhập nội được đánh giá về khả năng sinh trưởng và các chỉ tiêu sinh lý khi bị hạn ở giai đoạn cây con. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên hoàn toàn trong nhà lưới với các cây trồng trong chậu. Hạn nhân tạo được xử lý bằng cách dừng tưới nước khi cây được 15 ngày tuổi và dừng gây hạn khi áp suất thẩm thấu của đất đạt -80 KPa. Trong khi đó độ ẩm của đất được duy trì ở 70% độ ẩm bão hòa cho công thức đối chứng và ở giai đoạn không gây hạn. Kết quả cho thấy, hạn đã ức chế sinh trưởng và quang hợp, thoát nước và làm giảm mạnh khối lượng khô của lạc ở giai đoạn cây con. Sự suy giảm các chỉ số này cũng khác nhau ở các giống khác nhau. Các chỉ số có quan hệ chặt với khối lượng khô của lạc khi bị hạn ở giai đoạn cây con bao gồm: chỉ số độ nhạy cảm hạn (DSI); hiệu suất chịu hạn (DTE) và hệ số chịu hạn (DTI) với hệ số tương quan ở giai đoạn bị hạn và giai đoạn hồi phục tương ứng là r = -0,55*và r = -0,602**; r = 0,55*và r = 0,83**; r = 0,53*và r = 0,98**(dấu *và **tương ứng với p = 0,05 và p = 0,01); Trong khi đó, chỉ số bền vững của chlorophyll (CSI) có hệ số tương quan thấp với khối lượng khô và không phản ánh khả năng chịu hạn của 7 giống lạc nghiên cứu. Trong các dòng giống nghiên cứu, giống HL22 và dòng DM4 có khả năng chịu hạn tốt nhất.