Ngày nhận bài: 16-10-2020 / Ngày duyệt đăng: 05-05-2021
Sử dụng côn trùng làm thức ăn chăn nuôi ngày càng phát triển trên thế giới và là một hướng đi có nhiều tiềm năng ở Việt Nam nhằm thay thế nguồn protein động vật và thực vật. Mục tiêu của bài viết này là khái quát và đánh giá đặc điểm sinh học, giá trị dinh dưỡng và tiềm năng sử dụng một số loài côn trùng ăn được làm thức ăn chăn nuôi. Ấu trùng ruồi lính đen, sâu bột, nhộng tằm, châu chấu và dế là những loài được sử dụng phổ biến với nhiều tiềm năng về mặt dinh dưỡng khi hàm lượng protein thô và chất béo thô rất cao, dao động lần lượt là 42,1-63,3 và 8,5-36%, ngoài ra chúng cũng rất giàu lysine và threonine. Bổ sung hoặc thay thế một phần hay hoàn toàn bột cá hoặc bột đậu tương bằng bột côn trùng trong khẩu phần ăn của gia cầm và lợn cho kết quả tương đương hoặc tốt hơn về năng suất cũng như chất lượng thịt. Điểm cần lưu ý trong sử dụng chúng là phải giảm tối đa nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh như: nhiễm khuẩn, độc tố, kim loại nặng,... trong quá trình nuôi, thu hoạch, chế biến và bảo quản. Cần tiếp tục đánh giá tiềm năng cũng như hiệu quả sử dụng một số loài côn trùng trên các đối tượng vật nuôi khác nhau nhằm phát triển nguồn protein mới, an toàn và giá thành phù hợp.