Nghiên cứu được tiến hành tại Trại chăn nuôi dê của Khoa Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhằm đánh giá ảnh hưởng của cỏ voi (Pennisetum purpureum), xuyến chi (Bidens pilosa), ruzi (Brachiaria ruziziensis), keo dậu (Leucaeana leucocephala) trong khẩu phần đến lượng thức ăn thu nhận, năng suất và thành phần hoá học của sữa dê Saanen. Thí nghiệm được thiết kế theo mô hình ô vuông la tinh 4 x 4 gồm có 4 con dê Saanen (chu kỳ tiết sữa thứ 4), 4 loại cây thức ăn và 4 giai đoạn. Kết quả cho thấy, lượng vật chất khô, protein thô, lipit và khoáng tổng số thu nhận có sự khác biệt rõ rệt giữa các loại cây thức ăn. Năng suất sữa/tuần và năng suất sữa/ngày của dê Saanen đạt cao nhất ở khẩu phần ăn keo dậu (16,13 và 2,31 lít) và thấp nhất ở khẩu phần ăn cỏ voi (7,28 và 1,04 lít). Tiêu tốn thức ăn cho sản xuất sữa thấp nhất ở khẩu phần ăn keo dậu (2,62 kg) và cao nhất ở khẩu phần ăn cỏ voi (7,42 kg). Tỷ lệ ật chất khô, tỷ lệ mỡ sữa, tỷ lệ chất rắn không mỡ, protein, mật độ và điểm đông băng không có sự khác biệt giữa các loại cây thức ăn (P>0,05). Việc sử dụng keo dậu trong khẩu phần làm tăng lượng chất dinh dưỡng thu nhận, đồng thời cải thiện được năng suất sữa, làm giảm tiêu tốn thức ăn cho sản xuất sữa và không ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về thành phần hoá học của sữa dê Saanen.