Ngày nhận bài: 27-08-2020 / Ngày duyệt đăng: 22-10-2020
Nghiên cứu sự chuyển hóa sinh lý, hóa sinh trong quá trình sinh trưởng và phát triển của quả nhằm xác định thời điểm chín sinh lý là cơ sở khoa học cho việc thu hoạch và bảo quản quả được tốt hơn. Các phương pháp phân tích hóa sinhđược sử dụngđể xác định hàm lượng sắc tố, hàm lượng đường khử, tinh bột, axit hữu cơ tổng số, vitamin C, protein và lipit theo sự sinh trưởng và phát triển của quả nhãn từ khi hình thành cho đến khi quả chín. Kết quả nghiên cứu cho thấy, quả nhãn đạt kích thước tối đa khi 16 tuần tuổi, lúc này vỏ quả có màu vàng nhạt do sự giảm hàm lượng diệp lục và tăng hàm lượng carotenoit. Hàm lượng tinh bột và hàm lượng axit hữu cơ tổng số trong thịt quả đạt cực đại khi quả 12 tuần tuổi, sau đó giảm dần. Hàm lượng đường khử và hàm lượng vitamin C tăng dần đến 16 tuần tuổi rồi giảm xuống. Hàm lượng protein giảm dần từ khi quả mới hình thành cho đến khi quả chín, hàm lượng lipit tăng dần đến 15 tuần tuổi, sau đó giảm xuống. Qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi đã xác định được thời điểm chín sinh lý của quả nhãn là 16 tuần tuổi, đây là thời điểm quả ngừng sinh trưởng và tích lũy nhiều chất dinh dưỡng.