Ngày nhận bài: 12-08-2014 / Ngày duyệt đăng: 29-11-2014
Mô bệnh học là một phương pháp phát hiện ảnh hưởng của những yếu tố bất lợi và mầm bệnh gây ra trên cơ quan ký chủ. Nó được ví như một chỉ thị để phát hiện các điều kiện bất lợi trong môi trường sống của động vật thủy sản. Nghiên cứu được tiến hành trên 58 mẫu mang cá trắm cỏở giai đoạn cá hương (Ctenopharyngodon idella)nhiễm ấu trùng sán lá song chủ (Centrocestus formosanus), sán lá đơn chủ (Dactylogyrussp.) và trùng quả dưa (Ichthyophthirius multifiliis) nhằm xác định các biến đổi mô bệnh học do chúng gây ra. Các mẫu mang cá được kiểm tra triệu chứng lâm sàng, tỷ lệ và cường độ nhiễm ký sinh trùng, một phần mang được làm tiêu bản mô học để đánh giá và mô tả các biến đổi vi thể. Kết quả nghiên cứu cho thấy biến đổi mô ở mang cá do 3 loại ký sinh trùng có những đặc điểm chung là sự rối loạn tuần hoàn cục bộ và biến dạng cấu trúc mang. Tuy nhiên,mức độ tổn thương gây ra bởi các loại ký sinh trùng là khác nhau. Trong đó, mang cá nhiễm ấu trùng sán C. formosanus thể hiện nhiều tổn thương nặng nề. Các tế bào mang và tổ chức sụn tăng sinh lan tràn, tơ mang sơ cấp và thứ cấp biến dạng, mòn cụt, xuất hiện nhiều vùng xuất huyết, tụ huyết và viêm dính xung quanh tổ chức của bào nang sán. Mang cá nhiễm Dactylogyrussp. chủ yếu thể hiện sự tăng sinh, viêm dính và đứt gãy tơ mang do tác động của móc bám và chất độc tiết ra. Sự tổn thương do trùng quả dưa ở mang như tăng sinh, xuất huyết đã được ghi nhận, tuy nhiên cần có những nghiên cứu tiếp để đánh giá sát thực biến đổi mô bệnh học, đặcbiệt là giai đoạn trùng hình thành bào nang.