Ngày nhận bài: 20-08-2016 / Ngày duyệt đăng: 20-10-2016
Nghiên cứu này nhằm đánh giá khả năng quang hợp và tích lũy chất khô của dòng lúa cực ngắn ngày DCG72 ở các mức đạm bón khác nhau tại vụ xuân 2015 trong điều kiện nhà lưới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Thí nghiệm chậu vại gồm 3 mức đạm bón: không bón (N0; 0 g N/chậu), thấp (N1; 0,5 g N/chậu) và cao (N2; 1,5 g N/chậu), giống Khang dân 18 (KD18) được sử dụng làm đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy số nhánh tối đa và diện tích lá của 2 dòng/giống tăng khi tăng mức đạm bón. Cường độ quang hợp ở thời kỳ chín sáp của dòng DCG72 cao hơn so với giống KD18 ớ mức đạm bón thấp (N1) nhưng thấp hơn so với giống KD18 ở mức đạm bón cao (N2) là do hàm lượng đạm và diệp lục trong lá thấp. Khối lượng chất khô tích lũy ở giai đoạn sau trỗ và tỷ lệ chất khô bông/khóm của dòng DCG72 thấp hơn so với KD18 ở mức bón đạm cao (N2). Năng suất cá thể của dòng DCG72 tương đương với giống KD18 ở mức không bón đạm (N0) nhưng cao hơn so với giống KD18 ở mức đạm bón thấp (N1) do có số hạt trên bông và khối lượng 1.000 hạt cao. Tuy nhiên, ở mức đạm bón cao (N2), dòng DCG72 có tỷ lệ hạt chắc thấp nên năng suất cá thể thấp hơn so với giống đối chứng KD18.