Thí nghiệm được thực hiện tại nhà lưới của trường Đại học Tây Bắc, thành phố Sơn La nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng đạm của giống lúa cạn Nếp nương tròn và giống LC93-1. Thí nghiệm được bố trí trong chậu với hai giống và năm mức phân bón gồm: 0 mgN/chậu (N0); 200 mgN/chậu (N1); 400 mg N/chậu (N1); 600 mg N/chậu (N3); 800 mg N/chậu (N4). Thí nghiệm được thiết kế theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ, lặp lại 3 lần, mỗi lần lặp lại sử dụng 3 chậu cho một công thức, tổng số chậu thí nghiệm là 90 chậu, mỗi chậu sử dụng 5 kg đất nương đồi. Hạt giống được gieo trực tiếp trên chậu, khi cây đạt 3 lá tiến hành tỉa để mỗi chậu 1 cây. Trong suốt quá trình sinh trưởng, độ ẩm đất được duy trì ở mức 70-80% độ ẩm đồng ruộng. Kết quả cho thấy khi tăng mức đạm bón từ 0 mg/chậu (N0) đến 800 mg/chậu (N4) đã làm tăng chiều cao cây, số bông/khóm, số hạt chắc/bông, năng suất sinh khối và năng suất hạt của cả hai giống lúa. Trong đó, năng suất hạt ở các mức N0; N1; N2; N3; N4 của giống Nếp nương tròn lần lượt đạt 5,8; 13,5; 19,9; 22,6; 25,0 g/chậu, trung bình đạt 17,4 g/chậu và của giống đối chứng lần lượt đạt 4,4; 13,4; 18,9; 22,1; 23,8 g/chậu, trung bình đạt 16,5 g/chậu. Khi tăng lượng phân đạm bón làm tăng hàm lượng nitơ trong thân lá nhưng không làm tăng đáng kể hàm lượng nitơ trong hạt. Mặc dù vậy lượng đạm hấp thu trong thân lá, trong hạt và tổng lượng đạm hấp thu tăng khi tăng lượng phân đạm bón. Hiệu suất sử dụng nitơ tạo năng suất (NUE), hiệu suất nông học (AE), hiệu suất sinh lý (PE) và hiệu quả sử dụng đạm (UE) ở cả hai giống đều giảm khi tăng mức bón đạm. Hiệu quả sử dụng đạm (UE) cao nhất của cả hai giống đều ở mức đạm N1, lần lượt đạt 111,4 mg/mg N đối với giống Nếp nương tròn và 100,2 mg/mg N với giống đối chứng.