Ngày nhận bài: 04-03-2014 / Ngày duyệt đăng: 13-08-2014
Praziquantel đã được sử dụng phổ biến để điều trị ký sinh trùng trên cá, đặc biệt là các loài cá biển. Tuy nhiên chưa có nhiều nghiên cứu điều trị ký sinh trùng trên cá nước ngọt. Nghiên cứu này được tiến hành trên một số loài cá nước ngọt phổ biến ở Việt Nam. Praziquantel được sử dụng điều trị thử nghiệm 4 loại ngoại ký sinh trùng gồm sán lá đơn chủ (Dactylogyrus sp.), trung mỏ neo (giáp xác ký sinh - Lenear sp.) và 2 Protozoa ký sinh gồm trùng bánh xe (Trichodina sp.) và trùng loa kèn (Epistylis sp.) lần lượt ký sinh trên ba loài cá nước ngọt gồm trắm cỏ (Ctenopharyngodon idella), chép (Cyprinus capio) và rô phi (Oreochromis niloticus). Cá nhiễm bệnh được ngâm praziquantel ở các nồng độ 0; 2,5; 5; 7,5 và 10 mg/l trong khoảng thời gian 1; 3; 24; 48 và 72 giờ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, ngâm praziquantel ở nồng độ 7,5-10 mg/l cho cá nhiễm bệnh loại bỏ hoàn toàn 2 Protozoa sau 1-3 giờ và 2 ngoại ký sinh trùng còn lại sau 24-72 giờ và không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cá. Như vậy, ngâm praziquantel nồng độ 7,5-10 mg/l trong vòng 72 giờ có thể dùng như một biện pháp thay thế hữu hiệu và an toàn để điều trị kết hợp nhiều ngoại loại ký sinh trùng trên cá và thay thế cho nhiều loại hóa chất khác. Kết quả nghiên có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý sức khỏe các loài cá trong các hệ thống nuôi thủy sản hiện nay.