Ngày nhận bài: 16-10-2014 / Ngày duyệt đăng: 22-07-2015
Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã cải tiến thành công quy trình chuyển gen vào giống lúa Taichung 65 thông qua vi khuẩn Agrobacterium tumefaciens với hiệu suất chuyển gen cao, thao tác đơn giản, giảm thiểu khối lượng công việc phải làm. Trong quy trình đưa ra, chúng tôi đã tối ưu hóa các bước tiến hành, chuẩn hóa thành phần môi trường nuôi cấy và đưa ra một số nhân tố quan trọng trong thao tác. Kết quả thí nghiệm cho thấy sử dụng đĩa petri có gờ cao 15mm và phơi mẫu không chỉ làm tăng tỷ lệ tạo mô sẹo từ phôi mà còn tăng kích thước và chất lượng mô sẹo dùng cho quá trình chuyển gen. Dịch khuẩn với mật độ OD600nm = 0,1 là tối ưu với tần số biểu hiện gen GUS ở mô sẹo cao (81,25%) và tỷ lệ mẫu nhiễm thấp. Ở giai đoạn chọn lọc sau lây nhiễm, mô sẹo phát triển tốt hơn khi tiến hành phơi mẫu và sử dụng đĩa petri có gờ cao 15mm. Phân tích sự có mặt của promoter R4 cho thấy tỷ lệ cây tái sinh mang cấu trúc gen biến nạp cao (90,24%). Đánh giá sự biểu hiện của gen GUS ở cây lúa chuyển gen đã chứng tỏ sự hoạt động mạnh của promoter R4, điều khiển quá trình phiên mã, dẫn tới tổng hợp enzym GUS. Kết quả phân tích cây chuyển gen ở thế hệ T1 đã chứng minh sự di truyền ổn định của gen biến nạp sang thế hệ sau.