Trong sản xuất lúa hiện nay, bệnh lem lép hạt là một trong những nguyên nhân gây thất thu năng suất và giảm phẩm chất hạt gạo. Nghiên cứu đã được thực hiện để điều tra hiện trạng canh tác và xác định thành phần nấm gây hại hiện diện trên hạt của hai giống lúa OM6976 và OM4218 tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Bên cạnh đó, hiệu quả của một số loại dịch trích thực vật được đánh giá trên nấm Fusarium spp., hiện diện phổ biến trong thành phần nấm gây hại trên hạt lúa. Kết quả điều tra tình hình canh tác của hai giống lúa OM6976 và OM4218 ở 60 hộ nông dân tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã ghi nhận lem lép hạt, cháy lá và cháy bìa lá là bệnh quan trọng. Kiểm tra 60 mẫu hạt lúa với tổng số 6.000 hạt đã ghi nhận có 12 loài nấm gây hại trên hạt và hiện diện trên cả hai giống lúa OM6976 và OM4218, bao gồm: Fusarium sp., Curvularia sp., Pinatubo oryzae, Trichoconis padwickii, Tilletia barclayana, Nigrospora sp., Acremonium sp., Penicilium sp., Aspergillus sp., Chaetomium globosus, Bipolaris oryzae và Phoma sorghina. Với giống OM6976, nấm chiếm tỷ lệ cao nhất là Fusarium sp. với 29,5%. Đối với hạt lúa của giống OM4218, nấm chiếm tỷ lệ cao nhất là Curvularia sp. với 24,6%. Dịch trích lá cỏ hôi ở các nồng độ 2, 4 và 8% có khả năng ức chế sự phát triển tản nấm Fusarium sp. và khác biệt so với đối chứng.