Ngày nhận bài: 09-02-2018 / Ngày duyệt đăng: 10-04-2018
Nghiên cứu này thực hiện đo đạc nồng độ phát thải một số chất ô nhiễm từ quá trình đốt rơm rạ sau thu hoạch trên đồng ruộng nhằm xác định mức độ đóng góp của các chất ô nhiễm từ quá trình đốt rơm rạ vào môi trường không khí. Nghiên cứu được tiến hành đo đạc tại 6 cánh đồng lúa khác nhau trên địa bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội. Bụi PM2.5, PM10xác định bằng thiết bị lấy mẫu bụi lưu lượng nhỏ, khí CO được bơm vào túi lấy mẫu và phân tích theo phương pháp trắc quang, CO2xác định bằng máy đo khí Lutron GCH- 2018 sử dụng cảm biến. Kết quả cho thấy hiệu suất cháy của các thí nghiệm hầu hết đều > 0,9, có nghĩa là tất cả các quá trình cháy chủ yếu đều là cháy ngọn lửa. Nồng độ CO và CO2trong khói thải đốt rơm dao động trong khoảng 10,21 ÷ 56,03 mg/m3và 734,5 ÷ 1221,2 mg/m3, tương tự như các nghiên cứu khác ở cùng chế độ cháy, trong khi đó nồng độ bụi PM2.5, PM10dao động từ 0,71 ÷ 29,07 mg/m3và 3,22 ÷ 37,31 mg/m3,cao hơn so với kết quả nghiên cứu đốt rơm ở Thái Lan và tương tự so với kết quả đốt rơm ở Trung Quốc. Nồng độ này cao hơn rất nhiều so với mẫu nền, vượt QCVN 05:2013 và WHO nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường không khí và có khả năng ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân sống xung quanh khu vực. Kết quả nghiên cứu cung cấp cơ sở dữ liệu làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo, nhằm xây dựng hệ số phát thải từ hoạt động đốt rơm và kiểm kê chính xác hơn lượng phát thải khí từ hoạt động đốt rơm trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.