Ngày nhận bài: 22-08-2023 / Ngày duyệt đăng: 20-11-2023
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự biến động về thành phần loài và sự phân bố của động vật nổi trong vuông nuôi tôm rừng ngập mặn tại huyện Ngọc Hiển, Cà Mau. Mẫu được thu mỗi tháng 1 lần từ tháng 1 đến tháng 12/2022. Ở mỗi đợt, mẫu định tính và định lượng được thu tại 3 vuông tôm rừng (3 điểm/vuông). Dựa vào đặc điểm hình thái, cấu tạo bên ngoài của động vật nổi, nghiên cứu đã xác định được 26 loài động vật nổi thuộc 17 giống, 17 họ và 5 nhóm khác nhau gồm Protozoa, Rotifera, Cladocera, Copepoda và ấu trùng các nhóm động vật đáy. Tổng số loài động vật nổi theo các tháng ghi nhận từ 7-12 loài; mật độ dao động từ 22.065-769.725 cá thể/m3. Thời điểm động vật nổi có mật độ cao nhất là tháng 6 với 769.725 ± 541.622 cá thể/m3. Thành phần loài và mật độ động vật nổi vào mùa mưa cao hơn so với mùa khô. Sự phân bố của nhóm Rotifera và Cladocera trong vuông tôm rừng ngập mặn bị ảnh hưởng bởi độ mặn. Kết quả đã tìm thấy một số loài động vật nổi như Brachionusangularis, Brachionus plicatilis, Philodina sp., Diaphanosomasp., Oithonasp. và ấu trùng nauplius của Copepoda là nguồn thức ăn tốt, sử dụng để nghiên cứu nuôi sinh khối và giàu hóa cung cấp cho ấu trùng giáp xác và cá ở giai đoạn ương.