Ngày nhận bài: 19-03-2014 / Ngày duyệt đăng: 30-05-2014
Nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định thành phần loài cá và biến động nguồn lợi tự nhiên trên cơ sở tư liệu của hai chuyến khảo sát thực địa (mùa mưa và mùa khô) được tiến hành vào năm 2011, tham khảo từ các đề tài, dự án thực hiện tại vùng rừng ngập mặn Phù Long, Cát Hải, Hải Phòng từ năm 2003-2011 và số liệu thống kê nghề cá từ những năm 1990 được lưu trữ tại Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hải Phòng. Dựa vào mẫu vật thu được của các chuyến khảo sát đã xác định được 63 loài thuộc 42 giống trong 25 họ phân bố trong khu vực nghiên cứu. Phân tích thành phần và kích cỡ khai thác của hai loại nghề là lưới kéo đáy và đăng đáy đều cho thấy nhóm cá tạp chiếm ưu thế so với nhóm cá kinh tế. Đặc biệt là nhóm cá có kích cỡ con non (< 10cm) chiếm tới 90% sản lượng. Rất hiếm gặp nhóm cá có giá trị cao kinh tế ở kích cỡ trưởng thành (21-30cm và > 30cm). Sự sụt giảm nhanh chóng về sản lượng khai thác tự nhiên tới 85-92% giai đoạn 1990-2011 ở nghề lưới kéo đáy và tới 50% sản lượng thuộc nghề đăng đáy. Đây là các minh chứng rõ rệt về sự cạn kiệt nguồn lợi cá trong rừng ngập mặn Phù Long. Cần gia tăng tính hiệu lực các biện pháp bảo vệ nguồn lợi và xã hội hóa công tác bảo tồn hướng tới quản lý bền vững nguồn lợi tự nhiên.