Nghiên cứu này được tiến hành nhằm đánh giá một số đặc điểm của 14 vật liệu sắn trong nước và nhập nội trong điều kiện ở Gia Lâm, Hà Nội và đánh giá khả năng kháng bệnh của các vật liệu thông qua thí nghiệm lây nhiễm nhân tạo bằng phương pháp ghép. Các vật liệu được trồng trên đồng ruộng trong một thí nghiệm tuần tự không nhắc lại, theo dõi một số đặc điểm nông sinh học. Các vật liệu cho thu hoạch sau 8-11 tháng trồng. Chiều cao cây của các vật liệu ở mức trung bình và dao động không nhiều (165,2-183,2cm), có 6 vật liệu có phân cành. Hầu hết các vật liệu chỉ có 1 thân/khóm, CM15, CM21 có 2 thân/khóm và CM60 có 3 thân/khóm. Số củ/cây của các vật liệu dao động từ 4,3-15,8 củ/cây. Khối lượng củ tươi cao nhất ở CM15 (5,0 kg/cây) và 2 giống đối chứng (5,26-5,82 kg/cây). Sử dụng phương pháp ghép, sau 2 tuần thu được 40 cây ghép thành công của 13 vật liệu. Kiểm tra kiểu gen của các cây ghép này bằng chỉ thị JSP1/JSP2 và JSP1/JSP3 đã xác định được sự có mặt của ACMV ở 8 vật liệu (CM2, CM3, CM8, CM15, CM20, CM60, KM140 và KM94). Đánh giá mức độ nhiễm bệnh của các vật liệu sau ghép 3 tháng, xác định nhóm vật liệu kháng gồm CM15, CM16, CM21, CM60, CM88 và ĐC2 (KM94), nhóm kháng cao gồm CM50 và CM61.