Bài báo này nhằm đánh giá thực trạng mức độ mặn hóa đất nông nghiệp tại tỉnh Hậu Giang trên cơ sở sử dụng phương pháp nội suy nghịch đảo khoảng cách (IDW). Kết quả nghiên cứu cho thấy diện tích không bị mặn hóa chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 44,23% tổng diện tích đất nông nghiệp) và không còn diện tích đất bị mặn hóa ở mức độ nặng. Diện tích đất bị mặn hóa ở mức nhẹ chiếm 30,79%, tập trung tại huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ. Diện tích đất bị mặn hóa ở mức trung bình chiếm 24,98%, tập trung tại các huyện Phụng Hiệp, Châu Thành, Châu Thành A và thị xã Long Mỹ. Nguyên nhân chính của nhiễm mặn đất tại Hậu Giang là do sự xâm nhập mặn từ nước biển và nước ngầm mặn. Tại những vùng nhiễm mặn trung bình, các biện pháp thủy lợi, sử dụng giống cây trồng chịu mặn và biện pháp hóa học có thể áp dụng để giảm thiểu mức độ mặn của đất nông nghiệp trên địa bàn.