Ngày nhận bài: 09-01-2017 / Ngày duyệt đăng: 26-03-2017
Thí nghiệm chậu vại thiết kế theo kiểu khối ngẫu nhiên đầy đủ với 5 lần nhắc lại được thực hiện tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong vụ mùa 2016 nhằm tìm hiểu khả năng quang hợp và vận chuyển hydrat carbon không cấu trúc của dòng lúa cực ngắn ngày DCG72 ở 3 mức kali bón (không bón - K0: 0 g K2O/chậu; thấp - K1: 0,5 g K2O/chậu và cao - K2: 1,0 g K2O/chậu), giống Khang dân 18 (KD18) được sử dụng làm đối chứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy cường độ quang hợp của 2 dòng/giống ở giai đoạn chín sáp tương quan với năng suất cá thể và tăng từ mức bón K0 lên K1, tiếp tục tăng mức bón lên K2 dòng DCG72 giảm do diện tích lá và hàm lượng diệp lục trong lá giảm, trong khi giống KD18 không giảm. Khả năng vận chuyển hydrat carbon không cấu trúc của 2 dòng/giống tại mức K1 cao hơn so với K0 và K2, ở mức K1 dòng DCG72 đạt cao hơn so với KD18. Năng suất cá thể tăng từ mức K0 lên K1 ở cả 2 dòng/giống, tiếp tục tăng lên mức K2 làm giảm chỉ tiêu này ở dòng DCG72 và không làm tăng ở giống KD18. Dòng DCG72 có năng suất cá thể tương đương với KD18 ở mức K0, cao hơn so với KD18 ở mức K1 là do số hạt/bông, tỷ lệ hạt chắc và khối lượng 1.000 hạt cao. Tại mức bón K2 dòng DCG72 có khả năng quang hợp và vận chuyển sản phẩm quang hợp thấp nên có số hạt/bông và tỷ lệ hạt chắc thấp, do đó năng suất cá thể thấp hơn so với KD18.