Thí nghiệm được tiến hành nhằm đánh giá ảnh hưởng của mặn đến nảy mầm, sinh trưởng, sinh lý và năng suất của hai giống đậu tương DT84 và ĐT26. Trong đó, dung dịch NaCl với 4 nồng độ (0, 50, 100 và 150 mM) được xử lý cho hạt ở thí nghiệm nảy mầm; ở thí nghiệm trồng chậu, dung dịch Hoagland chứa NaCl với 3 nồng độ (0, 50 và 100 mM) được xử lý cho cây từ tuần thứ 3 sau khi mọc mầm đến khi cây bước vào giai đoạn chín. Kết quả cho thấy tỷ lệ nảy mầm ở nồng độ NaCl 100 và 150 mM của giống DT84 chỉ còn 98,33% và 46,67%; ở giống ĐT26 chỉ còn 96,67% và 31,67%. Tăng nồng độ gây mặn đã làm giảm tỷ lệ nảy mầm, chiều dài, khối lượng của thân mầm và rễ mầm trên cả hai giống đậu tương. Ở nồng độ gây mặn cao (150 mM) đã ức chế sự phát triển của cây mầm trên cả hai giống đậu tương. Ở thí nghiệm trồng chậu, chiều cao cây, diện tích lá, chất khô, nốt sần, SPAD, tỷ số Fv/Fm, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất tỷ lệ nghịch với nồng độ NaCl. Trong khi đó độthiếu hụt bão hòa nước, độ rò rỉ ion tăng theo nồng độ NaCl. Năng suất cá thể của giống DT84 ở 50 và 100 mM NaCl bị giảm 32,4% và 61,9% so với đối chứng; sự suy giảm này ở giống ĐT26 là 39,5% và 68,9%. Đánh giá tính mẫn cảm mặn của hai giống bằng chỉ số mẫn cảm với mặn (SSI) cho thấy giống DT84 ít mẫn cảm với mặn hơn giống ĐT26 ở cả hai nồng độ 50 mM và 100 mM NaCl.