Ngày nhận bài: 01-07-2017 / Ngày duyệt đăng: 09-08-2017
Nghiên cứu này nhằm mục đích đánh giá ảnh hưởng của kiểu chuồng tới chất lượng phúc lợi động vật ở lợn cái hậu bị và lợn nái mang thai. Thí nghiệm được thiết kế đơn giản (1 yếu tố x 2 mức , yếu tố là kiểu chuồng, 2 mức là kiểu nuôi nhóm và kiểu nuôi cũi cá thể) với 20 lợn cái hậu bị F1 (Landrace x Yorshire) đồng đều về tuổi, khối lượng được phân bố ngẫu nhiên trong 4 ô chuồng (2 ô chuồng nuôi nhóm và 2 ô chuồng nuôi cũi; 5 con/ô). Đánh giá được thực hiện vào 1 ngày cố định trong tuần với 3 giai đoạn khác nhau (hậu bị, sau phối từ 1 đến 30 ngày và mang thai từ 31 đến 100 ngày) theo hướng dẫn của Welfare Quality® (2009). Kết quả cho thấy, ở giai đoạn hậu bị, kiểu chuồng ảnh hưởng đến các chỉ tiêu: tỷ lệ dính phân trên cơ thể, vết thương trên cơ thể và tập tính rập khuôn, tập tính khám phá của lợn. Ở giai đoạn sau phối từ 1 - 30 ngày, kiểu chuồng không ảnh hưởng đến tất cả các tiêu chí đánh giá phúc lợi. Ở giai đoạn lợn nái mang thai từ 31 - 100 ngày cho thấy kiểu chuồng ảnh hưởng đến tổn thương bờ vai, què, vết thương trên cơ thể, tỷ lệ phân dính trên cơ thể, các tập tính rập khuôn và khám phá của lợn. Nuôi lợn nái theo phương thức nuôi nhóm giúp cải thiện một số chỉ tiêu phúc lợi về chuồng trại, sức khỏe và tập tính của lợn, nhưng cần có biện pháp hạn chế sự gây hấn giữa các cá thể trong những ngày đầu ghép nhóm.