Ngày nhận bài: 08-01-2016 / Ngày duyệt đăng: 29-04-2016
Mô hình Hồi quy logistic đa thức (Multinomial logistic regression - MLR) đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi để thành lập bản đồ đất trên thế giới. Mô hình này sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian do yêu cầu số lượng các điểm mẫu đầu vào (phẫu diện đất) ít hơn nhiều so với phương pháp thành lập bản đồ truyền thống. Đề tài nghiên cứu khả năng ứng dụng của MLR để thành lập bản đồ đất ở tỉnh Bắc Ninh bằng việc đánh giá kết quả của mô hình. Mô hình có 9 biến đầu vào bao gồm: loại đất, loại hình sử dụng đất, độ cao, độ dốc, chỉ số thực vật (Normalized difference vegetation index - NDVI), chỉ số thực vật vuông góc (Perpendicular vegetation index - PVI), tỷ số chỉ số thực vật (Ratio vegetation index - RVI), chỉ số ẩm ướt địa hình và chỉ số ẩm ướt SAGA. Mô hình MLR được sử dụng để dự báo loại đất theo 2 mức: mức Nhóm đất chính và mức Loại đất trung gian. Chất lượng bản đồ kết quả được đánh giá dựa trên 3 chỉ số: Độ chính xác phân loại, Chỉ số đa dạngvà Chỉ số kết hợp. Kết quả cho thấy ở mức Nhóm đất chính, mô hình MLR dự báo bản đồ có độ chính xác cao nhưng thấp hơn so với mức Loại đất trung gian. Chỉ số kết hợp cho thấy mô hình MLR cho kết quả tốt nhất ở mức Loại đất trung gian.