Ngày nhận bài: 28-09-2016 / Ngày duyệt đăng: 13-02-2017
Khổ qua rừng (Momordica charantia L. var. abbreviata Ser.) được biết đến như một loài thực phẩm và thảo dược quý. Trong cây khổ qua rừng có chứa nhiều hoạt chất như glycoside, saponin, alkaloid, hỗn hợp lipid, triterpen, protein và steroid. Nghiên cứu này được tiến hành nhằm xây dựng một quy trình chuyển gen đơn giản, hiệu quả và nhanh chóng để tạo rễ tóc cây khổ qua rừng nhờ chủng vikhuẩn Agrobacterium rhizogenes TR7 có chứa plasmid pPE113 mang gen e-gfp. Các yếu tố như độ tuổi của cây, vị trí xâm nhiễm đã được khảo sát. Kết quả ghi nhận cây 7 ngày tuổi với vị trí xâm nhiễm ở trụ dưới lá mầm cho tỷ lệ cảm ứng tạo rễ tóc đạt 69,66-73,33%. Sau quá trình tái sinh và sàng lọc, 30 dòng rễ giả định chuyển gen được chia thành 4 nhóm kiểu hình khác nhau với các đặc điểm như rễ trắng, sinh trưởng nhanh, phân nhánh mạnh trên môi trường MS. Tỷ lệ biểu hiện của protein e-GFP cho 4 nhóm đạt trung bình 46,7%. Kết quả PCR đã khẳng định 4 dòng rễ đại diện cho 4 nhóm kiểu hình đã được chuyển gen thành công thông qua sự hiện diện của gen rolA và sự vắng mặt của gen virD.