Ngày nhận bài: 09-05-2022 / Ngày duyệt đăng: 27-09-2022
Nghiên cứu thực hiện nhằm phân tích hiệu quả sản xuất giữa các mô hình trồng nhãn khác nhau (hộ gia đình, trang trại, hợp tác xã) và ở các vùng trồng nhãn khác nhau (vùng trồng nhãn tập trung và vùng trồng nhãn phân tán) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên. Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả trồng nhãn ở Hưng Yên. Nghiên cứu đã sử dụng số liệu thứ cấp kết hợp với nguồn số liệu sơ cấp thông qua việc phỏng vấn 180 cơ sở trồng nhãn (60 phiếu hộ gia đình, 60 phiếu trang trại và 60 phiếu thành viên của hợp tác xã/tổ hợp tác). Kết quả nghiên cứu cho ta thấy, trồng nhãn theo mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất: giá trị gia tăng trung bình theo mô hình hợp tác xã/tổ hợp tác là 199,76 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với mô hình trang trại (167,41 triệu đồng/ha/năm) và mô hình hộ gia đình (138,43 triệu đồng/ha/năm) và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P <0,05); Hiệu quả trồng nhãn ở vùng tập trung cao hơn so với trồng nhãn ở vùng phân tán: năng suất trung bình trồng nhãn ở vùng tập trung đạt 12,45 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình ở vùng vùng phân tán 12,03 tấn/ha và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P <0,05); giá trị gia tăng trung bình trồng nhãn vùng tập trung là 179,41 triệu đồng/ha/năm, cao hơn so với trồng nhãn vùng phân tán là 157,65 triệu đồng/ha/năm và sự khác biệt này có ý nghĩa thống kê (P <0,05).