Ngày nhận bài: 16-06-2016 / Ngày duyệt đăng: 10-10-2016
Nghiên cứu được tiến hành nhằm đánh giá khả năng chịu hạn của 32 mẫu giống dưa chuột bản địa Việt Nam. Các cây được trồng trong các chậu chứa 5 kg giá thể (đất phù sa + xơ dừa ủ mục, tỷ lệ 1:2) cùng với phân bón lót(lượng phân bón CaO:N:P2O5:K2O cho mỗi chậu lần lượt là 10:2:2:1,5gam. Tất cả các cây thí nghiệm được đặt trong nhà lưới có mái che. Nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng phụ thuộc môi trường. Độ ẩm giá thể là 80- 85% độ ẩm bão hòa khi không gây hạn và ở công thức đối chứng trong suốt thời gian thí nghiệm. Ở công thức hạn, khi cây được 2 lá thật, ngừng tưới nước trong 10 ngày, sau đó sẽ tưới nước trở lại. Kết quả nghiên cứu cho thấy, hạn làm giảm số lá, diện tích lá, chiều cao cây, đường kính thân ở đa số các mẫu giống dưa chuột không có khả năng chịu hạn (DRI thấp). Ở các mẫu giống có khả năng chịu hạn khá (DRI > 1), số lá giảm ít nhưng có sự giảm mạnh diện tích lá để giảm thoát hơi nước và giảm nhẹ đường kính thân để không hạn chế khả năng vận chuyển nước lên các phần trên mặt đất. Trong các mẫu giống nghiên cứu, có 13 mẫu giống có khả năng chịu hạn khá, có thể sử dụng làm vật liệu để chọn tạo các dòng dưa chuột chịu hạn.