Ngày nhận bài: 25-09-2023 / Ngày duyệt đăng: 05-01-2024
Mục tiêu của nghiên cứu này là lựa chọn ra chủng vi khuẩn tạo màng sinh học (biofilm) có khả năng phân huỷ và chuyển hoá các thành phần hydrocarbon có trong dầu mỏ, từ đó gợi mở một phương pháp xử lý ô nhiễm môi trường do quá trình khai thác, vận chuyển và sử dụng dầu và các sản phẩm từ dầu gây ra. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng gồm: làm giàu để phân lập và phân loại các chủng vi khuẩn có khả năng sử dụng các thành phần có trong dầu; đánh giá khả năng tạo biofilm; từ đó đánh giá hiệu quả phân huỷ dầu của các chủng vi sinh vật ở trạng thái tạo biofilm so với ở trạng thái tự do của chủng. Kết quả, từ các mẫu đất nhiễm dầu lấy tại kho xăng Đức Giang, Hà Nội đã phân lập được chủng Rhizobium sp.DG2 tạo biofilm và có khả năng phân huỷ 44,8; 76,0; 62,0; 73,0 và 75,0% dầu diesel, anthracene; naphthalene; phenanthrene và pyrene với nồng độ ban đầu là 4,786 g/l (10% thể tích) đối với dầu diesel và 200ppm đối với 4 thành phần còn lại. Trong khi đó, chủng DG2 ở dạng tế bào tự do chỉ phân huỷ được tương ứng là 35,4; 65,1; 54,5; 54,6 và 64,2% các thành phần này. Kết quả đã mở ra tiềm năng ứng dụng vi khuẩn tạo biofilm và Rhizobium sp.nói riêng trong xử lý ô nhiễm dầu.