Ngày nhận bài: 10-03-2016 / Ngày duyệt đăng: 16-05-2016
Cây vải (Litchi chinensis Sonn) là cây ăn quả đặc sản có giá trị dinh dưỡng cao, với hương vị thơm ngon nhiều chất bổ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên, quả vải có thời hạn bảo quản rất ngắn, nguyên nhân chủ yếu là do vi sinh vật gây bệnh. Nghiên cứu này nhằm xác định chính xác loại vi sinh vật gây hư hỏng quả vải sau thu hoạch và nghiên cứu biện pháp phòng trừ bệnh sau thu hoạch cho vải trong điều kiện in vitro. Kết quả lây nhiễm nhân tạo nấm và vi khuẩn trên quả vải không bị bệnh, không bị trầy xước, đường kính quả 3,3 - 3,5cm, định danh bằng kỹ thuật sinh học phân tử cho thấy vi khuẩn Gluconobacter oxydans và nấm Lasiodiplodia pseudotheobromae là nguyên nhân chính gây bệnh sau thu hoạch trên quả vải. Kết quả thử nghiệm khả năng phòng trừ bệnh của carbendazim và chế phẩm nano bạc trong điều kiện in vitro cho thấy carbendazim có khả năng ức chế nấm thấp hơn vi khuẩn. Đối với chế phẩm nano bạc, Gluconobacter oxydans bị ức chế hoàn toàn ở nồng độ 10ppm, trong khi nấm Lasiodiplodia pseudotheobromae bị ức chế ở nồng độ 15ppm. Như vậy, chế phẩm nanoAg thực sự có hiệu quả trong việc ức chế hai loài vi sinh vật được xác định là nguyên nhân chính gây bệnh trong quá trình bảo quản vải sau thu hoạch.