Ngày nhận bài: 12-05-2016 / Ngày duyệt đăng: 20-12-2016
Những kiến thức và hiểu biết về đa dạng di truyền nguồn gen đậu cô ve (Phaseolus vulgarisL.) có ý nghĩa quan trọng trong sử dụng và bảo tồn nguồn gen. Mục đích nghiên cứu này là phân tích đa dạng di truyền của 60 mẫu giống đậu cô ve thu thập trong nước và nhập nội dựa trên chỉ thị hình thái (đặc điểm thực vật học, nông sinh học) và chỉ thị phân tử SSR. Kết quả phân tích đa dạng di truyền dựa trên 16 chỉ thị hình thái đã phân chia các mẫu giống đậu cô ve thành 7 nhóm với hệ số tương đồng là 0,17. Sử dụng 20 chỉ thị SSR, kết quả phân tích PCR trên các mẫu giống của nghiên cứu, chỉ có 15 chỉ thị xuất hiện băng DNA đa hình và 5 chỉ thị không xuất hiện băng DNA là: BM188, BMd - 1, GATS91, C33 và C106. Kết quả thu được tổng số 69 allen đa hình, trong đó chỉ thị BM152 có hệ số đa dạng cao nhất là 0,73. Dựa trên kết quả phân tích ma trận đồng hình, các mẫu giống đậu cô ve có hệ số tương đồng di truyền dao động từ 0,57 đến 1, chứng tỏ các mẫu giống đậu cô ve thu thập có sự đa dạng cao về mặt di truyền (Hình 3). Nếu mức tương đồng di truyền 0,69 có thể chia 60 mẫu giống thành 4 nhóm di truyền. Kết quả của nghiên cứu thể hiện khả năng ứng dụng cao của chỉ thị SSR trong phân tích đa dạng di truyền đối với nguồn gen đậu cô ve. Phân tích đa dạng 60 mẫu giống làm cơ sở lựa chọn mẫu giống cho chương trình chọn giống đậu cô ve cho các mục đích khác nhau.